Bồi dưỡng kiến thức đối ngoại và hội nhập quốc tế
Sáng 16/9 tại Hội trường Uỷ ban nhân dân Tỉnh diễn ra Hội nghị bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối ngoại và hội nhập quốc tế cho cán bộ, lãnh đạo, quản lý các cấp của tỉnh năm 2020. Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tuyến, từ điểm cầu Tỉnh kết nối tới 12 điểm cầu huyện, thị xã, thành phố trong Tỉnh với 260 đại biểu tham dự.
Quang cảnh Hội n ghị bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối ngoại 2020
Đến dự Hội nghị, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Đoàn Tấn Bửu cho rằng: “Tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, gây ra nhiều biến động trong khu vực và trên phạm vi toàn thế giới trên hầu hết các lĩnh vực, do đó, việc liên tục cập nhật tình hình trong nước và thế giới, xác định rõ thời cơ, thuận lợi và thách thức, khó khăn của các nước và thế giới tác động tới địa phương càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết”.
Hội nghị vinh dự được diễn giả Lê Đình Tĩnh – Tiến sỹ - Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược, Học Viện Ngoại giao thông tin chuyên đề về cục diện, trật tự thế giới; đường lối đối ngoại và hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước ta hiện nay.
Tiến sĩ Lê Đình Tĩnh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược
Theo Tiến sĩ Lê Đình Tĩnh: “do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, kinh tế thế giới rơi vào suy thoái nghiêm trọng hơn cuộc Đại suy thoái (1929 - 1933); thương mại quốc tế và các chuỗi liên kết thương mại bị đứt gãy trên phạm vi toàn thế giới (theo WTO, thương mại toàn cần giảm 13 - 32% trong năm 2020); các nước đối mặt với tình thế chưa từng được biết đến, đó là vừa chống dịch, vừa phục hồi nền kinh tế”.
Cần nhận diện rõ hơn những khiếm khuyết của toàn cầu hoá và chuỗi cung ứng toàn cầu; tận dụng ưu điểm của thời đại số, dịch vụ số, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, mua sắm hàng hoá theo hình thức trực tuyến, làm việc từ xa… sẽ là xu thế của thế giới trong thời gian tới.
“Tại tỉnh Đồng Tháp, ngoài nhận diện các rủi ro do đại dịch COVID-19 và các tác động do đại dịch mang lại, Đồng Tháp cần nhận diện các nguy cơ tiềm tàng do biến đổi khí hậu, sự suy giảm của mực nước sông Mê kong… làm luận cứ để đề ra quyết sách phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo đời sống người dân trong thời gian tới”, Tiến sĩ Lê Đình Tĩnh nhấn mạnh./.