Xuất bản thông tin

null Ngoại giao Việt Nam: 'Vẻ đẹp thầm lặng'

Chi tiết bài viết Tin tức

Ngoại giao Việt Nam: 'Vẻ đẹp thầm lặng'

Những con số thống kê lượng vaccine hay thiết bị y tế Việt Nam được nhận từ bè bạn quốc tế chắc ai cũng có thể biết rõ qua báo đài, nhưng đó là thành quả 'hợp đồng tác chiến' của hàng trăm cán bộ ở trong nước và ở các địa bàn sở tại. Đó có lẽ là 'vẻ đẹp thầm lặng' của ngoại giao.

Đại sứ, GS.TS. Nguyễn Thái Yên Hương.

Tình hình thế giới và khu vực có nhiều thay đổi với các thách thức như dịch bệnh, cạnh tranh nước lớn, những trung tâm quyền lực mới nổi lên…

Trong bối cảnh đó, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác đã đưa ra những chính sách, đường lối chung. Đối ngoại hiện nay không chỉ là ngoại giao chính trị mà còn là ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế. Rõ ràng, đây là nhiệm vụ rất lớn của ngành Ngoại giao.

Ngoại giao Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã rất linh hoạt và chủ động. Đặc biệt, Việt Nam cũng như các quốc gia khác giúp đỡ lẫn nhau vượt qua khó khăn dựa trên sự chân thành thay vì kèm theo những điều kiện chính trị.

Năm ngoái, khi nhiều nước trên thế giới trải qua các đợt bùng phát dịch bệnh lớn, Việt Nam đã sẵn sàng hỗ trợ trang thiết bị y tế, nhất là khẩu trang.

Đáp lại, giai đoạn này, khi Việt Nam phải hứng chịu một trong những làn sóng dịch bệnh lớn nhất từ trước đến nay, nhiều quốc gia lại “mở lòng” giúp đỡ chúng ta như Nhật Bản, Mỹ, Thụy Sỹ, Pháp, Ba Lan, Trung Quốc…

Dịch Covid-19 gây ra tác động vượt ngoài dự đoán của các nhà nghiên cứu. Vaccine Covid-19 trở thành một chìa khóa quan trọng để có thể nhanh chóng bước qua được đại dịch.

Ngay lập tức, ngoại giao vaccine, theo như Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, đã trở thành mục tiêu quan trọng với phương châm “chủ động tiến công” của Ngành. Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine.

Đây được coi như một “mặt trận” để triển khai thắng lợi chiến lược vaccine mà Chính phủ đã đề ra, nhằm sớm kiểm soát dịch bệnh, đưa đất nước sớm trở lại trạng thái bình thường mới.

“Vận động” nghe tưởng chừng đơn giản nhưng đằng sau đó là cả một quá trình không kể ngày đêm của các cán bộ ngoại giao để đạt được mục tiêu đề ra. Đằng sau những chuyến bay chở các lô vaccine Covid-19 hay trang thiết bị y tế phục vụ chống dịch là cả một bộ máy hoạt động không kể thời gian.

Những con số thống kê lượng vaccine hay thiết bị y tế Việt Nam được nhận từ bè bạn quốc tế chắc ai cũng có thể biết rõ qua báo đài, nhưng đó là thành quả “hợp đồng tác chiến” của hàng trăm cán bộ ở trong nước và ở các địa bàn sở tại. Đó có lẽ là “vẻ đẹp thầm lặng” của ngoại giao.

Dù dịch bệnh hoành hành, nhiều nước trên thế giới buộc phải đóng cửa biên giới, khó khăn với ngành Ngoại giao không nhỏ nhưng tôi cảm nhận rõ các “chiến binh” trên mặt trận đối ngoại chưa khi nào nản lòng.

Không thể gặp gỡ thông qua các cuộc họp trực tiếp, hàng trăm cuộc gặp theo hình thức trực tuyến được triển khai. Những phòng họp tại trụ sở làm việc của Bộ Ngoại giao luôn được phủ kín.

Bên ngoài, thời gian như đang trôi rất chậm với những chỉ thị giãn cách xã hội, với những con đường vắng vẻ người qua nhưng bên trong Bộ Ngoại giao, mọi thứ vẫn đang rất hối hả, đảm bảo dòng chảy đối ngoại không bị gián đoạn, “nghẽn mạch”.

Ngành Ngoại giao đã áp dụng rất linh hoạt chuyển đổi số, cán bộ ngoại giao đã nhanh chóng nắm bắt và thích ứng với tình hình.

Nhiều “đội tác chiến” phải làm việc cả đêm do chênh lệch múi giờ giữa Việt Nam và đối tác, nhưng tất cả đều không quản ngại và quyết tâm hoàn thành một cách tốt nhất các nhiệm vụ đối ngoại.

Đại sứ, GS.TS. Nguyễn Thái Yên Hương nhận xét cán bộ ngoại giao trẻ thực sự rất năng động, sáng tạo. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Đó là điều khiến tôi cảm thấy rất yên tâm với thế hệ cán bộ ngoại giao trẻ. Họ thực sự rất năng động, sáng tạo, có khả năng làm việc nhóm tốt và dám chịu trách nhiệm, quyết đoán hơn so với thế hệ chúng tôi.

Tôi mong muốn rằng, bên cạnh “tác chiến thực địa”, các cán bộ trẻ chú trọng thêm tới công tác nghiên cứu để trang bị cho mình một nền tảng kiến thức vững chắc.

“Thực địa” có thể biến đổi rất nhanh, nhưng nếu có nền tảng nghiên cứu tốt, trước bất cứ tình huống nào, các cán bộ ngoại giao cũng có hiểu được bản chất của sự việc, xử lý nhanh các luồng thông tin, từ đó ứng biến, đưa ra nhận định tình hình chuẩn xác.

Nhiều người hay đùa với tôi rằng: “Gần như cả sự nghiệp làm đối ngoại kênh 2, đến khi nghỉ quản lý đi làm đối ngoại kênh 1”.

Tôi mỉm cười và nghĩ, phải chăng đó không chỉ là cái “duyên” mà là cái “thú vị” trong cuộc đời làm đối ngoại của mình.

Mấy chục năm làm công tác giảng dạy và nghiên cứu, sau khi nghỉ quản lý, tôi vẫn tiếp tục gắn bó với công việc này. Tôi đã được Lãnh đạo Bộ tin tưởng giao phó nhiệm vụ Đại diện của Việt Nam tại Ủy ban liên chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR) và Chủ tịch AICHR 2020.

Chính những kinh nghiệm trong công tác nghiên cứu đã giúp tôi nhanh chóng làm quen và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Theo Baomoi.com